Hãy ghi nhớ 4 quy tắc vàng sau đây!

4 ĐÚNG

Đúng thời điểm

  • Mùa xuân hè các loại hoa, cây cảnh sinh trưởng nhanh có thể bón nhiều phân, 1-2 tuần bón 1 lần.
  • Mùa thu cây sinh trưởng chậm nên bón ít, 2-3 tuần bón 1 lần.
  • Sang mùa đông, cây không phát triển nhiều nên có thể hạn chế việc bón phân

Đối với các thời điểm trong ngày, hãy chú ý bón phân vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi độ ẩm trong không khí lớn, thời tiết mát mẻ sẽ giúp cây dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong đất hơn.

Đúng chủng loại

Đạm cần cho cành lá, lân cần cho rễ và kali cần cho hoa. Tùy vào loại cây cảnh và thời kỳ phát triển của cây mà bạn nên chọn tỉ lệ các thành phần thích hợp cho cây cảnh của mình.

Bón phân NPK cho cây cảnh.

 

Chẳng hạn như khi cây còn nhỏ, bắt đầu phát triển rễ, nên chọn dòng phân NPK có hàm lượng lân lớn. Giai đoạn cây mọc chồi, thay lá, nên chọn phân NPK có hàm lượng lớn đạm lớn. Và khi cây bắt đầu ra hoa, bón thêm Kali cho cây sẽ giúp hoa nở to với màu sắc rực rỡ hơn.

Đúng liều lượng

Đối với cây kiểng (chỉ có cành lá) chỉ nên bón lượng vừa đủ. Không nên bón nhiều như cây cảnh có hoa, bởi cây sẽ rất dễ mất dáng nếu thừa dưỡng chất hoặc dưỡng chất không cân đối.

Riêng với các loại hoa, mặc dù cần cực nhiều dưỡng chất nhưng chúng chỉ ưa những nguồn dinh dưỡng dễ tiêu với nồng độ thấp. Vì vậy khi bón NPK cho cây cảnh có hoa cần pha thật loãng với nước hoặc bón dưới dạng phun sương qua lá.

Đúng tỷ lệ

Tuỳ theo loại phân thương phẩm dùng để bón, hàm lượng nguyên chất và khối lượng đất trong chậu mà ta tính được tỷ lệ và giới hạn phân bón hợp lý cho chậu cảnh của mình.

 

4 NHIỀU

Bón NPK cho cây cảnh cần lưu ý bón nhiều ở các thời điểm sau:

  • Bón nhiều lần khi cây vàng, cây yếu cần bổ sung dinh dưỡng (lưu ý chia làm nhiều lần bón, bón thường xuyên để cây hấp thụ từ từ. Tránh bón với lượng lớn trong một lần khiến cây sốc dinh dưỡng và dễ bị chết yểu)
  • Bón trước khi cây nảy chồi, thay lá mới bởi đây là thời điểm cây cảnh cần một lượng dinh dưỡng khổng lồ để sinh trưởng vượt trội. Cho thân cành chắc khỏe và càng lá luôn xum xuê.
  • Bón khi cây chuẩn bị ra nụ hoa để chuẩn bị năng lượng cho sự bung nở của những bông hoa xinh đẹp.
  • Bón sau khi cây cho hoa và đã tàn.

4 KHÔNG

Phân bón cây cảnh không những phải đáp ứng yêu cầu giúp cây luôn phát triển khỏe mạnh, tránh xa sâu bệnh mà còn cần giữ cho dáng cây luôn đẹp nhất, ra nhiều hoa hoặc thậm chí đậu nhiều quả. Để đạt được điều này, không phải cứ bón càng nhiều phân càng tốt.

Theo nguyên tắc 4 KHÔNg, anh chị em không nên bón NPK cho cây cảnh trong các trường hợp sau:

  • Không bón khi cây đang gặp sâu bệnh gây hại, cần giải quyết triệt để sâu bệnh mới tiến hành bón phân
  • Không bón khi cây đang trong giai đoạn hoa nở rộ
  • Không bón vào ngày mưa bão hoặc ngày nắng gắt, khô hạn
  • Không bón khi cây vừa trồng xuống đất, vừa chuyển chậu hoặc khi cây có dấu hiệu mọc cao vống. Nếu bón thêm phân NPK trong trường hợp này sẽ khiến cây phát triển bất thường, phá vỡ hoàn toàn dáng cây ban đầu.

3 KỴ

Kỵ bón phân đặc

Cây cảnh cũng giống như con người, nếu ăn quá nhiều cùng một lúc sẽ bị đầy bụng, chướng bụng, quá tải dưỡng chất, tệ hơn là ngộ độc thức ăn. Phân NPK đậm đặc không hề tốt cho cây cảnh, khi bón cần lưu ý pha thật loãng với nước và bón nhiều lần với lượng vừa đủ.

Kỵ phân dính rễ

Bón phân NPK cho cây cảnh kỵ nhất là bón trực tiếp vào gốc và để cho phân tiếp xúc với rễ non. NPK cần phải được ngăn cách với rễ cây bằng một lớp đất vừa đủ khi bón lót. Hoặc tưới xung quanh gốc khi tiến hành bón thúc.

Nếu tiếp xúc trực tiếp với phân vô cơ, rễ sẽ bị xót và khả năng cao cây sẽ chết ngay từ những ngày đầu được gieo vào đất. Nếu may mắn sống sót, cây cũng sẽ gặp nấm bệnh, về lâu về dài rất dễ gây ra bệnh vàng lá thối rễ.

Kỵ phân chuồng tươi, phân hữu cơ chưa qua xử lý

Bón NPK cho cây cảnh cần thiết cho những giai đoạn phát triển vượt bậc của cây như kích rễ, mọc chồi, đơm hoa. Tuy nhiên nhược điểm của phân NPK, cũng như tất cả các loại phân vô cơ khác là khiến đất bị bạc màu, chai cứng sau một thời gian dài bón vào đất. Vì vậy, về lâu dài, nên kết hợp bón phân NPK với các loại phân hữu cơ để phục hồi đất.

Tuy nhiên, cây cảnh kỵ phân chuồng tươi và dị ứng với các loại phân hữu cơ chưa qua xử lý. Chúng dễ gây nấm bệnh cho cây cảnh nếu chưa được hoai mục hoàn toàn. Mặt khác gây mất vệ sinh khi bón cho các chậu cây cảnh ngay trước sân nhà. Do đó, bà con nên ưu tiên lựa chọn các dòng phân hữu cơ đã được xử lý bằng công nghệ tiên tiến và đóng gói an toàn.

Tổng kết

Chăm sóc cây cảnh không dễ như bạn tưởng, nhưng chắc chắn sẽ dễ dàng hơn khi bạn nắm vững trong lòng bàn tay 4 nguyên tắc VÀNG trong bón NPK cho cây cảnh kể trên: 4 ĐÚNG, 4 NHIỀU, 4 KHÔNG và 3 KỴ.

Chúc các bạn thành công!